Quốc Thuận trải lòng khi thay Quyền Linh làm MC ‘Vượt lên chính mình’
TVshow

Quốc Thuận trải lòng khi thay Quyền Linh làm MC ‘Vượt lên chính mình’

“Tôi chưa bao giờ bị áp lực phải làm tốt, làm hay hơn anh Quyền Linh vì ngay từ đầu tôi đã xác định là mình không thể nào làm được như anh ấy”, nghệ sĩ Quốc Thuận chia sẻ.

Bắt đầu từ năm 2018, nghệ sĩ Quốc Thuận là người được chọn thay thế Quyền Linh dẫn chương trình Vượt lên chính mình do LASTA sản xuất.

Trong vai trò mới, anh đã có những chia sẻ rất xúc động.

Chưa bao giờ bị áp lực phải làm tốt, làm hay hơn anh Quyền Linh

Tại sao anh nhận lời thay thế MC Quyền Linh trong chương trình này?

Ban đầu tôi không có dự định tham gia vì công việc trong 2018 của tôi khá nhiều và các dự án đó đều được chuẩn bị xong rồi. Hơn nữa, gia cảnh nhà tôi cũng khá neo đơn. Tôi lại có hai con nhỏ nên đã định từ chối.

Nhưng sau khi nghe anh Quyền Linh động viên, tôi về nhà suy nghĩ. Được sự hỗ trợ của bà xã nên tôi quyết định tham gia.

Chính xác thì Quyền Linh đã nói gì với anh?

Anh Quyền Linh nói: “Anh tham gia nhiều năm, giờ cũng lớn tuổi rồi. Mày phải đi. Đi để còn trải nghiệm nhiều thứ. Anh với mày đều là dân quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Khi có sự nghiệp thì mình phải về quê hương để san sẻ với người dân”.

Khi về nhà, nhìn các con mình, tôi quyết định làm. Tôi làm không phải vì danh tiếng, tiền bạc mà vì con tôi. Tôi muốn tích phúc đức cho con mình, sau đó là vì bà con nghèo ở các miền quê.

May mắn là vợ tôi sẵn sàng chia sẻ thời gian, công việc chăm sóc con cái để tôi nhận chương trình.

Quốc Thuận dẫn Vượt lên chính mình thay thế MC Quyền Linh.

Tại sao nhà sản xuất lại chọn anh chứ không phải một gương mặt khác thay thế Quyền Linh? Và khi làm, anh có bị áp lực so sánh với đàn anh?

Tôi cũng nghe ban giám đốc nói là có đề cử vài người trong nghề nhưng cuối cùng chọn tôi. Giám đốc các đài tỉnh cũng chọn tôi. Họ nói sao thì mình nghe vậy. Còn thực sự, tôi không quan tâm. Điều tôi quan tâm nhất là mình có làm được hay không.

Tôi chưa bao giờ bị áp lực phải làm tốt, làm hay hơn anh Quyền Linh vì ngay từ đầu tôi đã xác định là mình không thể nào làm được như anh ấy. Ở Việt Nam, muốn tìm một người dẫn chương trình về nông dân như anh Quyền Linh, chắc chắn không có, đừng nói chi tới Quốc Thuận.

Và cũng ngay từ đầu, tôi đã biết chương trình này rất cực và rất khó nhưng tôi muốn trải nghiệm công việc khó nhất trong sự nghiệp của mình. Tôi muốn thách thức bản thân. Đó mới là áp lực lớn nhất đối với tôi.

Tôi không nói trước được điều gì vì không biết nó sẽ đi tới đâu, nhưng chắc chắn trong chuyến đi dài ngày sắp tới… dù thế nào, tôi cũng sẽ hoàn thành hết.

Xin được hỏi anh một câu khá tế nhị, nhà sản xuất đánh giá như thế nào về anh?

Ban đầu, họ đánh giá tôi không cao. Họ có chút gì đó thất vọng vì tôi làm không tốt. Không tốt ở đây được hiểu là họ chưa an tâm về tôi.

Nhưng càng những số sau, họ càng an tâm hơn. Đó là lúc tôi sống được với chương trình, nhập tâm và hiểu được hoàn cảnh của người dân.

Trong chương trình này, tôi không phải là người dẫn mà là người kể chuyện. Tôi tâm sự với các mạnh thường quân và người xem đài về hoàn cảnh của người dân. Cho đến thời điểm này, tôi đã rất tự tin ở vai trò mới – dù đó là một vai trò vô cùng khó khăn.

Mỗi một chương trình đều cho chúng ta những trải nghiệm và bài học khác nhau. Điều anh nhận được khi tham gia chương trình này là gì?

Trước giờ, tôi chỉ nghe cái nghèo cái khổ nhưng khi đi chương trình này tôi còn thấy cả sự không may mắn, thậm chí là bi kịch nữa. Đã nghèo đã khổ còn bệnh tật.

Cái mà tôi trải nghiệm được, là dù họ nghèo khổ bệnh tật nhưng luôn lạc quan và không ai muốn con mình – thế hệ sau phải dừng lại việc học. Họ làm đủ cách để con được đi học.

Ví dụ, trong chương trình tôi làm ở Bến Tre, có một gia đình khiến tôi đứng giữa sân khóc tu tu như một đứa trẻ.

Lấy nhau xong, vừa đẻ được đứa con thì người vợ suy thận. Đứa con bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm người mẹ chạy thận.

Suốt 10 năm như thế, mỗi tuần 3 lần. Người vợ chạy thận nhiều tới nỗi chân không đứng nổi. Giơ cánh tay lên là cục cục cục vì bị áp se. Tình trạng hiện giờ là sống nay chết mai. Hàng ngày chồng vẫn đi làm công việc vác bụi chuối. Mỗi ngày được hơn trăm ngàn đồng, mà không phải ngày nào cũng có việc.

Khi tôi hỏi, nhân ngày hôm nay, chị muốn nói điều gì với chồng không? Người vợ nói “Em cám ơn anh vì anh đã không bỏ em. 10 năm qua, lúc nào anh cũng lo cho em. Anh luôn ẵm em những lúc em té”. Tôi nghe xong mà đứng giữa sân khóc.

Nhờ đi chương trình mà tôi biết, người dân của mình quá khổ. Gần như không còn gì để khổ hơn nữa. Nhưng bên cạnh đó, tôi còn chứng kiến được nghĩa vợ tình chồng quá đẹp!


Làm chương trình rất cực. Tôi suýt xỉu, về nhà cũng bệnh lên bệnh xuống. Không chỉ đi vùng sâu vùng xa mà còn nắng nóng, di chuyển liên tục từ tỉnh này qua tỉnh khác nhưng khi cầm thùng đi xin tiền quyên góp từ người dân, dẫu 1.000, 2.000, 5.000 đồng thôi nhưng tôi vui.

Quyên góp được đôi ba triệu, tôi thấy hạnh phúc lắm.

Có tham gia chương trình mới thấy, cuộc đời này mình có được cái ăn, cái mặc thì đừng bao giờ than khổ với bất cứ ai. Mình đã may mắn hơn biết bao nhiêu mảnh đời!

Khi tham gia chương trình, trực tiếp trải nghiệm… với những vất vả, khó khăn. Anh nghĩ như thế nào về đàn anh Quyền Linh?

Anh Quyền Linh có sự chân chất của một nông dân chính hiệu. Ở Việt Nam, tôi chưa thấy ai có thể thay thế được anh ấy.

Cho dù tôi có dẫn bao nhiêu năm đi nữa thì tôi cũng không bao giờ bằng Quyền Linh được. Tôi và anh Quyền Linh đều xuất thân từ miền quê Đồng bằng Sông cửu Long nhưng có lẽ anh ấy là nông dân chính hiệu, còn tôi lại là cậu ấm.

Hai người bản thân đã có sự khác biệt. Tôi đã dẫn nhiều chương trình, trực tiếp cũng có nhưng chưa từng bị áp lực như khi nhận chương trình này.

Chương trình không cần diễn, không cần hoa mỹ nhưng phải rất lựa lời mà nói. Họ đã khổ, đã nghèo rồi nên dễ mặc cảm. Họ mặc cảm với số phận, với chính mình khi đứng trước đám đông. Đôi khi, một câu nói cũng có thể làm họ buồn.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Theo Trí thức trẻ