“Đúng giờ đãi khách thì công an tới mời tôi ra làm việc. Lúc đó khoảng 4, 5 giờ chiều. Tôi mặc nguyên chiếc váy cô dâu ra gặp…”, Cát Tuyền chia sẻ.
Cát Tuyền là ca sĩ chuyển giới đầu tiên ở Việt Nam. Đám cưới Cát Tuyền và cố nghệ sĩ Chinh Nhân năm 2008 là một scandal ầm ĩ nhất trong giới nghệ thuật cả nước lúc bấy giờ – khi mà xã hội còn chưa có cái nhìn cởi mở và thiện cảm dành cho những người thuộc thế giới thứ ba.
Đang làm tiệc cưới, công an mời ra làm việc
Trước khi đến với tôi, Chinh Nhân đã có gia đình và một đứa con. Cuộc tình của chúng tôi bất trắc ngay từ những ngày đầu nhưng hai đứa có một điểm chung – thương là lấy, bất chấp mọi áp lực từ gia đình, xã hội.
Khi Chinh Nhân báo với anh Long Nhật là đã ngỏ lời yêu Cát Tuyền và hai đứa sẽ dọn về sống với nhau. Anh Long Nhật hỏi tôi “được không em”? Tôi trả lời anh “Được anh ạ. Thôi kệ. Mình cứ nghe và làm theo con tim thôi vì lý trí, tính ngã này không được, tính ngã kia không xong”.
Chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, vô vàn áp lực cho tới tận ngày cưới. Đám cưới của tôi và Chinh Nhân được tổ chức tại Trung tâm tiệc cưới Quốc Thanh của anh Phước Sang.
Hôm đó, có rất nhiều nghệ sĩ tới nhưng không dám vào dự. Họ sợ đang nửa chừng thì công an tới, sở Văn hoá vô nên chỉ đến gửi tiền mừng rồi về.
Đúng giờ đãi khách thì công an tới mời tôi ra làm việc. Lúc đó khoảng 4, 5 giờ chiều. Tôi mặc nguyên chiếc váy cô dâu ra gặp.
Tôi nói “Các anh có bắt thì cứ bắt. Em với Chinh Nhân đi làm giấy đăng ký kết hôn nhưng không được. Luật hôn nhân của Việt Nam không cho người đồng tính lấy nhau, chúng em đành chịu nhưng luật không cấm chúng em làm đám cưới”.
Đó là năm 2008. 10 năm sau, lịch sử đã khác, ánh mắt nhìn của xã hội với người đồng tính cũng khác. Thời điểm đó, người đồng tính chưa nhận được cái nhìn cởi mở của xã hội như bây giờ.
Tôi là ca sĩ chuyển giới đầu tiên ở Việt Nam, cũng là người đầu tiên tổ chức đám cưới đồng tính. Tuy khó khăn, áp lực nhưng tôi rất hạnh phúc vì mình đã mở đường và tiên phong trong cuộc cách mạng cho những người mang giới tính giống mình.
Bây giờ những người đồng tính được công khai yêu đương, đám cưới với nhau. Thậm chí nghệ sĩ đồng tính cũng được lên sân khấu hát và được công nhận là ca sĩ chuyên nghiệp. Cụ thể và gần đây nhất là đám cưới của Lâm Khánh Chi. Thấy vậy, tôi rất vui!
Gẫy đổ khi vẫn đong đầy yêu thương
Đĩa cưới vol.4 “Mơ một ngày mặc áo cô dâu” của tôi và Chinh Nhân bán đắt nhất thị trường âm nhạc lúc đó. Cuộc hôn nhân của chúng tôi tuy áp lực, khó khăn nhưng cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả. Tiếc rằng đúng lúc đó thì chúng tôi gẫy đổ!
Nguyên nhân đổ vỡ một phần là do thời điểm đó kinh tế quá eo hẹp. Cả tôi và Chinh Nhân đều nặng gánh gia đình, rồi áp lực từ người thân, từ xã hội… và những trắc trở éo le đã khiến chúng tôi xa nhau.
Từ khi lấy tôi, Chinh Nhân phải đi theo tôi để lo đoàn hát hội chợ trong khi ba mẹ muốn anh đi theo truyền thống của gia đình, muốn anh có vợ con như mọi người đàn ông bình thường.
Tôi là người chuyển giới nên không thể có con. Con cái là sợi dây để tăng sự gắn kết vợ chồng thì chúng tôi không có. Người ta nói, những người chuyển giới thường không sống thọ… Mọi người nói ra nói vào nhiều khiến gia đình anh áp lực, chúng tôi áp lực.
Để cắt đứt tình cảm của hai đứa, mẹ chồng tôi lo cho anh đi Mỹ. Tôi qua Mỹ tìm chồng. Mẹ phát hiện lại đưa anh về Việt Nam. Cuối cùng tôi cắn răng chia tay dù vẫn còn thương anh rất nhiều!
Tôi không nghe điện thoại của anh, đổi số điện thoại. Tôi muốn mọi chuyện kết thúc êm đẹp, muốn anh quên tôi đi để lấy vợ khác. Chinh Nhân giận. Anh bảo “nếu để anh gặp, anh sẽ giết tôi vì tôi bỏ anh ấy”.
Nghe thế, tôi không dám về gặp nhưng tôi vẫn dõi theo từng bước đi của anh trong cuộc sống. Ngay cả thời điểm tôi lấy chồng ở bên Mỹ, tôi vẫn còn thương Chinh Nhân rất nhiều!
“Suốt đời này, anh vẫn là chồng em”
Lần cuối cùng tôi gặp Chinh Nhân là lúc anh bệnh nặng nằm trong bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vì sốt phổi sau gần mười năm xa nhau, không liên lạc, không điện thoại…
Năm 2016, tôi dự định về Việt Nam ăn Tết với gia đình. Trước khi bay về Việt Nam một tuần, chị Thoại Mỹ điện cho tôi báo tin Chinh Nhân đang nằm viện.
Tôi gọi điện cho Bình Tinh hỏi thăm. Đúng thời điểm tôi về tới Việt Nam thì bệnh của Chinh Nhân trở nặng. Chị Thoại Mỹ gọi cho tôi nói “Chinh Nhân chắc không qua khỏi”. Tôi lao vào viện ngay đêm đó.
Chinh Nhân đang thở ô xy mà nắm tay tôi khóc. Đó là buổi tối tôi không bao giờ quên. Nó ám ảnh tôi mãi mãi sau này.
Anh nói chuyện, kể lể cho cả 10 năm không được nói, không được gặp. Cuối cùng anh hỏi tôi “bà xã còn yêu anh không”? Tôi bảo: “Suốt đời này, anh vẫn là chồng của em. Anh ráng khoẻ lại đi, em sẽ đưa anh qua Mỹ rồi chúng mình làm lại từ đầu. Em vẫn yêu anh như ngày xưa”.
Thế nhưng chiều hôm sau, đang hát ở Vũng Tàu tôi nghe mọi người báo Chinh Nhân mất. Tôi không tin vì mới đêm trước anh còn nói chuyện với tôi.
Ngày đưa Chinh Nhân về nhà ở Cầu Muối, tôi không dám vô. Tôi sợ cảnh phải nhìn thấy người thân của mình mất. Cuối cùng anh Kim Tử Long động viên, tôi mới có can đảm đi vào. Nhìn thấy áo quan của anh, tôi bị chết đứng.
Ca sĩ Cát Tuyền chia sẻ tại talkshow Nghệ sĩ Đối thoại.
Tôi mất ngủ triền miên suốt 3 tháng sau đó. Đêm nào tôi cũng mơ gặp Chinh Nhân. Chỉ khoảng một năm nay, tôi không mơ nữa.
Lần này về Việt Nam, tôi quyết định sẽ làm một liveshow vào đúng ngày kỷ niệm 10 năm đám cưới của tôi và Chinh Nhân. Mừng nhất là chính mẹ chồng tôi là người biên soạn hai trích đoạn cải lương cho liveshow này và bà rất ủng hộ. Trước liveshow, tôi sẽ ra mộ thắp nhang cho anh”.
*Ghi theo lời kể của ca sĩ Cát Tuyền
Theo Cao Thanh Hương/Tri thức trẻ